
Gói thầu A1 đang khẩn trương thi công.
Lấp đất hay cát?
Qua đường dây nóng, báo Xây dựng đã nhận được kiến nghị của nhân dân P.Lam Sơn về việc trong quá trình triển khai thi công tuyến nước thải số 1 gói thầu A1 thuộc DA thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng trên đường Lán Bè, P.Lam Sơn gây sụt lún, nứt nhà dân nghiêm trọng. Toàn bộ mặt đường bị nứt, lún sụt so với đường cũ là 30 - 35cm, nhà dân cách hố đào khoảng 10m đều nứt lún. Nhân dân ở đây cho rằng nhà bị nứt là do nhà thầu thi công là TCty Xây dựng Bạch Đằng đã lấp đất lên trên phần cống bi là không đúng theo thiết kế.
Tuy nhiên, theo thiết kế của Liên danh tư vấn Nippon Koei.,Ltd (Nhật Bản) và Cty Poyry Finland OY (Phần Lan) thì sau khi lấp cát xung quanh cống bi, toàn bộ phần trên cống bi là lấp đất. Như vậy, kiến nghị của người dân là không có cơ sở. Ông Lê Trung Kiên - Phó tổng giám đốc TCty Xây dựng Bạch Đằng khẳng định: “TCty đã thi công đúng theo thiết kế. Trong quá trình đào hố chôn đường ống thoát nước gây sụt lún, nứt nhà dân là rủi ro bất khả kháng, không ai mong muốn”.
Nói về vấn đề này ông Trần Huy Vĩnh - Giám đốc BQLDA cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường Hải Phòng cho biết: “Nhà thầu đã thi công đúng theo hồ sơ thiết kế. Việc lấp đất này gồm nhiều lớp trong đó có lớp dùng đất tận dụng, chọn lọc từ phần đất vừa đào lên. Vấn đề nhà dân sẽ bị nứt, ngay từ khi trình duyệt DA, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát đã tính đến nhưng không ngờ khi thi công thì sự ảnh hưởng lại vượt khỏi dự tính ban đầu”.
Nhà sụt, lún do đâu?
Nhà dân bị nứt không phải do nhà thầu thi công sai thiết kế. Nhưng qua việc chủ đầu tư là BQL “tiền trảm hậu tấu” cho lấp cát thay đất đã chứng minh thiết kế ban đầu không phù hợp với tình hình thực tế tuyến nước thải số 1 gói thầu A1 của DA.
Theo kiến nghị của ông Phạm Đức Thành - Phó ban giám sát đầu tư của cộng đồng thì: “Chưa có một đơn vị kiểm định nào đưa ra số liệu khẳng định rằng nhà dân bị nứt là do nhà thầu thi công lấp đất. Nhưng bằng thực tế đã chứng minh đoạn từ cống Luồn đến gầm cầu An Dương, nhà thầu thi công đã lấp đất phía trên cống bi và hầu hết nhà dân gần đó bị ảnh hưởng. Bắt đầu từ gầm cầu An Dương trở đi, nhà thầu thi công không lấp đất nữa mà cho lấp cát thì hiện tượng sụt lún, nứt nhà dân giảm hẳn. Rõ ràng lấp cát tốt hơn nhiều so với lấp đất”. Ông Thành còn cho rằng: DA này khảo sát từ khoảng năm 2007 đến nay không còn phù hợp. Khoan địa chất cũng chỉ khoan điểm nên thiết kế cũng không phù hợp với thực tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhà dân bị rạn nứt.
Về phía TCty Xây dựng Bạch Đằng, ông Kiên cũng cho rằng: “Bằng thực tế đã chứng minh lấp cát tốt hơn nhiều so với lấp đất. Nhưng nếu nói lỗi tại thiết kế là không đúng bởi bên thiết kế Nhật Bản họ thiết kế đúng theo quy chuẩn của ngành Xây dựng. Trong khi đó nhà dân khu vực này toàn là nhà xây không theo quy chuẩn, vì vậy nhà bị nứt là khó tránh khỏi”.
Theo chủ đầu tư, ông Trần Huy Vĩnh cũng khẳng định: Thiết kế của đối tác Nhật Bản là ưu việt, nhà dân bị nứt là ngoài ý muốn. Nguyên nhân chính là do thủy triều khu vực này lên xuống liên tục, nền đất yếu. Nhà dân đa số là nhà lấn chiếm, xây sau một đêm. Và để hạn chế tối đa tổn thất cho dân, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị thiết kế để họ nghiên cứu, bổ sung thêm thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. BQL cũng đã có công văn trình TP, Sở Xây dựng Hải Phòng… Tuy chưa được phê duyệt nhưng BQL đã chủ động cho nhà thầu thi công lấp cát thay đất để thử nghiệm trước. Ông Vĩnh nói: “Chúng tôi cố gắng bằng nhiều biện pháp khác nhau để tìm ra phương pháp tối ưu nhằm hạn chế tối đa việc lún nứt nhà dân”.
Như vậy có thể thấy, dù cả chủ đầu tư, BQL đều cho rằng thiết kế DA của đối tác Nhật Bản là chuẩn, ưu việt nhưng vẫn phải thừa nhận rằng nó chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Mỹ Hạnh
Lỗi tại… thiết kế !?
No comments:
Post a Comment