Ngày 20/12/2012, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã họp nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương Dương Huy Quang, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Đình Tiến, ông Phạm Lê Thanh- TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nguyễn Hồng Hà- Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sơn la và các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư EVN, công trình thủy điện Sơn La cấp đặc biệt, được chính thức khởi công ngày 2/12/2005 với công suất thiết kế 2.400MW, tổng mức đầu tư 60.195,928 tỷ đồng. Công trình có cao trình đỉnh đập là 228,10m, tuyến năng lượng gồm cửa lấy nước( 6 khoang), đường ống áp lực và nháy thủy điện kiểu hở sau đập. Mực nước dâng bình thường của hồ chứa là 215m, dung tích hồ chứa là 9,26 tỷ m3, gồm 6 tổ máy với công suất điện lượng trung bình là 10,246 tỷ kwh….
Hiện trạng công trình tới thời điểm nghiệm thu đã được bố trí mặt bằng theo đúng thiết kế kỹ thuật. Đối tượng nghiệm thu là tuyến đập dâng( thi công bằng bê tông đầm lăn-RCC); tuyến áp lực ( 6 khoang- 6 tổ máy), 12 khoang xả sâu, 6 xả mặt, ngoài phần đập thi công bằng bê tông RCC còn có phần nối bằng vật liệu địa phương.
Nhà máy, gia cố hai bờ, hệ thống đường dây, biến áp…..
Ngoài ra còn có hồ chứa, EVN đã bàn giao các mốc tiến độ để giải phóng mặt bằng. Đến nay hiện trạng công trình và các tài liệu pháp lý đã hoàn thiện không thay đổi.
Hồ chứa đã tích nước hai mùa đủ đến mực nước dâng bình thường. Các hạng mục khác bảo đảm yêu cầu thiết kế. Chủ đầu tư đã hoàn thành cồng trình kiến trúc cảnh quan kịp thời phục vụ cho lễ khánh thành.

Đại diện chủ đầu tư báo cáo
EVN cho biết toàn bộ 6 tổ máy đã hoàn thành, tổ máy 6 đã vận hành vào 26/9 tất cả đã sẵn sàng đưa vào khai thác chính thức. Các hệ thống thiết bị phụ, trạm bơm tiêu cạn đã được đưa vào vận hành hai năm. Hệ thống lưới chắn rác, cửa van đã được sẵn sàng vận hành. Thiết bị xả sâu đã hoạt động và không có hiện tượng bất thường
Nhà máy đã được đấu nối lưới điện đồng bộ. Đánh giá chất lượng và an toàn của thủy điện Sơn La đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đồng ý tích nước từ tháng 5/2012.
Theo đại diện tư vấn - Viện thiết kế thủy công Matxcơva, đơn vị này đã tiến hành đánh giá kiểm tra độ tin cậy an toàn và ổn định của công trình Sơn la. Sau khi kiểm tra đánh giá lại tài liệu thiết kế, hoàn công các tài liệu đánh giá của thiết bị quan trắc cùng với khảo sát thực tế toàn bộ công trình xem có thay đổi gì so với thiết kế không?
Các công việc kiểm tra của đơn vị tư vấn độc lập đã được thể hiện bằng báo cáo, tập trung vào chỉ tiêu thiết kế, chỉ tiêu an toàn của công trình và mức độ ạn toàn các công trình bậc cao. Phía tư vấn đã xác định tất cả các chỉ tiêu đều vượt quá hệ số an toàn của công trình.
Đặc biệt với hệ số an toàn đối với động đất, sau khi tính toán hệ số an toàn phù hợp với tiêu chuẩn Mỹ và Việt Nga ( hệ số an toàn bảo đảm tuyệt đối). Các tài liệu địa chất bảo đảm chỉ tiêu cơ lý, màng phu xi măng, màng chống thấm, mẫu bê tông CVC, RCC đều đạt tiêu chuẩn thiết kế.
Với những vết nứt đã ghi được và khả năng có phát triển đến chân đập hay không, tư vấn khẳng định đánh giá độ bền của đập có dự phòng( các vết nứt đã được khép dần, ứng suất kéo không vượt quá những giá trị cho phép). Kết luận không ảnh hưởng gì tới độ bền của đập.
Phía tư vấn Nga đưa ra một vài lưu ý: phía hầm ngang bên bờ trái( còn có một chút vật liệu chảy ra theo nước). Với đặc trưng động đất thiết kế có cơ sở xác đáng, chịu các mức địa chấn cần sớm khôi phục mạng lưới đo địa chấn cục bộ ở vùng lòng hồ. Khi hạ thấp dần mực nước hồ chứa ( theo lịch điều tiết) nên tiếp tục xử lý các vết rỏ rỉ
Cũng theo đánh giá của Tư vấn Nga mức chịu động đất của thủy điện Sơn la có dự phòng nên hoàn toàn yên tâm. ở một một số nước trên thế giới tính độ dự phòng động đất là 1000 năm nhưng ở Sơn La tính 10.000 năm.
Đại diện tổ chuyên gia của Hội đồng- ông Huỳnh Bá Kỹ Thuật đánh giá: địa chất nền của thủy điện Sơn la đã đáp ứng yêu cầu thiết kế đủ điều kiện đưa vào vận hành. Bê tông đáp ứng tất cả các mẫu đúc, mẫu khoan đạt và vượt yêu cầu thiết kế. Các vết nứt đã được chủ đầu tư và tư vấn, các chuyên gia, hội đồng nghiệm thu đề ra biện pháp hữu hiệu khắc phục. Đến nay đã bảo đảm yêu cầu thiết kế của công trình.
Về đánh giá an toàn đập, ông Thuật cho biết: Hội đồng đã chọn được tư vấn có chất lượng, đánh giá khách quan.Thiết bị quản trắc đã đủ kiểm soát được toàn bộ công trình. Thiết bị công nghệ áp dụng tại công trình này bảo đảm các yêu cầu. Riêng công nghệ RCC khen ngợi các nhà thầu thi công của TCty Sông Đà đã tạo ra chất lượng bê tông tuyệt vời, góp phần đem lại thành công cho dự án. Tuy nhiên vẫn kiến nghị lập ra một bộ quy chuẩn đánh giá được độ an toàn( có định lượng so sánh đối chiếu) hiện tại phía tư vấn đã gần tiến tới đích này.
Ông Nguyễn Đình Tiến- Thứ trưởng bộ KHCN nhận xét, qua đánh giá chúng tôi rất yên tâm bởi trong quá trình xây dựng chúng ta đã tiến hành đánh giá, bảo đảm chất lượng an toàn trong suốt quá trình thi công. Các tiêu chuẩn áp dụng phù hợp bảo đảm tính an toàn của đập, một số vấn đề nhỏ đã được khắc khục. Công trình có thể nghiệm thu đưa vào vận hành.

Đại diện đơn vị tư vấn Viện thiết kế thủy công Matxcơva
Ông Lê Dương Quang- Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Công trình thủy điện Sơn La đã được triển khai hết sức chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Về vấn đề màng chống thấm Bộ Công Thương đã xem xét rất kỹ, kết quả khoan phun xi măng tất cả các chỉ tiêu đều bảo đảm. Đề nghị Hội đồng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn đập trong quá trình vận hành.
Ông Nguyễn Văn Liên-Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đồng ý nghiệm thu bởi trong quá trình theo dõi đánh giá, ghi nhận công lao của các đơn vị tham gia vào dự án để bảo đảm chất lượng cao nhất của công trình. Đề cao sự cố gắng nỗ lực của các lực lượng tham gia vào dự án trọng điểm này.
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Chủ tịch Hội đồng- Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao những chủ thể tham gia vào thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Đây là công trình trọng điểm quốc gia không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà có vị trí rất quan trọng, việc bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng công trình an toàn có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Công tác khảo sát thiết kế, tư vấn được đặc biệt quan tâm nên đã có những thông số chính xác. Các đơn vị thi công công trình thủy điện Sơn La là những TCT có bề dày, kinh nghiệm thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng đã tập trung hết sức để thực hiện công trình. Việc hoàn thành sớm 3 năm đã làm lợi 3tỷ đô la cho đất nước. Tạo ra nguồn điện năng phục vụ đời sống và sản xuất.
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề cao vai trò của ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn Nippon Koie, tư vấn Đại học Xây dựng đã rất có trách nhiệm khi tham gia vào dự án.
Kết luận của đơn vị tư vấn độc lập Viện thiết kế thủy công Nga đã khẳng định yên tâm vào chất lượng của công trình bởi công trình đã chất tải qua thực tiễn, có thể kết luận công trình an toàn theo quy định kỹ thuật.(An toàn có dự phòng).
Tổ chuyên gia đã đồng ý thống nhất cao về an toàn đập ( 7 /7 thành viên thống nhất ) công trình bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết kế, đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác sử dựng.
Tuy nhiên để bảo đảm công trình vận hành tốt chủ đầu tư cần tiếp tục theo dõi an toàn đập, khắc phục bổ sung thiết bị quan trắc, lập hồ sơ quan trắc theo đúng Nghị định 72 của Chính phủ. Việc thấm tại các vị trí đã được Tư vấn Nga xác định cần khắc phục triệt để, đây là yêu cầu bắt buộc mà Hội đồng đưa ra với Chủ đầu tư công trình. Đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn về an toàn đập của riêng công trình thủy điện Sơn La. Cần quan tâm tới vấn đề an ninh của công trình. Đồng thời mở rộng khai thác các giá trị về du lịch, nuôi trồng thủy sản….tận dụng vị thế của công trình lớn này.
Lê Mỹ- Ngọc Hà
Thống nhất nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình thủy điện Sơn La