Friday, May 23, 2014

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Bộ Xây dựng rất cần sự vào cuộc của các Hội, Hiệp hội”

Tại buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ Xây dựng với đại diện lãnh đạo 18 Hội và Hiệp hội trong Ngành do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 11/01, nhiều vấn đề được nêu ra đã tìm được tiếng nói chung trong việc tăng cường trao đổi đối thoại, nhất là vấn đề phản biện và đề xuất giải pháp cho ngành Xây dựng phát triển.

 

2012 - Năm khó khăn của ngành Xây dựng

Mở đầu cuộc làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã tóm tắt tình hình kinh tế nói chung cũng như của ngành Xây dựng trong năm 2012, nêu những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2013. Bộ trưởng cho biết, với những nỗ lực, kinh tế cả nước đã vượt qua 1 năm đầy thách thức, tăng trưởng tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn đạt xấp xỉ 5%, kiềm chế lạm phát thành công với mức dưới 7%, cân đối vĩ mô được bảo đảm, những vấn đề xã hội tiếp tục được ổn định, giữ được thế chủ động để đối phó với thách thức khó khăn để đi lên trong thời gian tới…

Năm 2012, ngành Xây dựng cũng tiếp tục đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư tiếp tục giảm mạnh, thị trường trong nước và xuất khẩu thu hẹp, lượng hàng tồn kho cao, nợ đọng trong xây dựng cơ bản tăng, thị trường BĐS chưa có khả năng phục hồi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, ngành Xây dựng chủ động, quyết liệt thay đổi căn bản trong cách tiếp cận, đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với mục tiêu tạo ra những bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của Ngành, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong giai đoạn trước mắt, đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn… Năm 2012, giá trị sản xuất xây dựng của cả nước ước đạt 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2011, trong đó khu vực nhà nước đạt khoảng 112.918 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 583.136 tỷ đồng, khu vực vốn nước ngoài đạt 24.116 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2012 ước đạt 179.301 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2011, tương đương 6,1% GDP cả nước…

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, mặc dù còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của các DN sụt giảm, nhưng ngành Xây dựng đang có nhiều hy vọng để tiến lên trong tương lai. Bộ trưởng cho biết Bộ xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý chất lượng thay thế Nghị định 209, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình, nhất là đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình quy mô lớn…

Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể các vấn đề trong quản lý đầu tư phát triển đô thị, từng bước lập lại trật tự phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, có lộ trình 5 năm, 10 năm, khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay… Nghị định đề xuất mô hình khoa học về quản lý khu vực phát triển đô thị, có ban quản lý phát triển đô thị, nhất là quản lý ngân sách phát triển hạ tầng khung; cho phép UBND các tỉnh được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất khi có hạ tầng…

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành và đang đi vào cuộc sống. Lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược nhà ở với tầm nhìn dài hạn, có những quan điểm chỉ đạo và cách tiếp cận mới mang tính đột phá đối với công tác phát triển nhà ở là “giải quyết nhà ở là tách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Theo đó việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà theo cơ chế thị trường…

Năm 2012, ngành cũng tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho BĐS, bắt bệnh để đưa ra các giải pháp chữa bệnh cho BĐS.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, những khó khăn của năm 2012 cũng chính là cơ hội để nhìn nhận lại những thiếu sót, yếu kém còn tồn tại, rút ra những bài học, kinh nghiệm, là thời cơ để tái cơ cấu các lĩnh vực .

Cần sự vào cuộc của các Hội, Hiệp hội

Năm 2013, nhiệm vụ chủ yếu của Ngành tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực Ngành, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát trong đầu tư xây dựng, nhất là các dự án có vốn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình; tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch, tập trung giải quyết tình trạng đóng băng thị trường BĐS gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN…

Nhấn mạnh vai trò, những đóng góp của các Hội, Hiệp hội đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển chung của Ngành, Bộ trưởng khẳng định: Rất cần sự vào cuộc của các Hội, Hiệp hội; sẵn sàng nghe những ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều để cùng thảo luận, phản biện, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, hỗ trợ DN phát triển. Bộ rất quan tâm và mong muốn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các Hội, Hiệp hội, tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Bộ trưởng cũng khẳng định: Thời gian vừa qua quá trình xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, chính sách Bộ Xây dựng làm rất công khai, dân chủ, tranh thủ sự đóng góp không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà của cả xã hội. Bộ rất mong sự ủng hộ của các chuyên gia, hiệp hội, sẵn sàng mời các chuyên gia tham gia đối thoại để đưa ra chính sách tạo sự đồng thuận cao trong xã hội…

Nhiều tổ chức hội nghề nghiệp như Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hiệp hội BĐS TP.HCM… đã đưa ra những ý kiến đề xuất với Bộ Xây dựng đối với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, trong đó tập trung vào đề án đổi mới cơ chế đầu tư xây dựng nguồn vốn nhà nước, các chính sách về quy hoạch, kế hoạch và quản lý nhà ở đô thị và nông thôn. Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS VN cho rằng, với những khó khăn của năm 2012, có điều kiện để đánh giá lại toàn bộ cơ chế chính sách, nhìn nhận lại công tác quản lý nhà nước, cụ thể như thị trường BĐS có những vấn đề phi hợp lý cần phải khắc phục… Với tư cách hội nghề nghiệp, ông Vạn kiến nghị: Phương pháp xây dựng luật pháp cần được mở rộng, huy động nhiều người, ý kiến của các chuyên gia tham gia…

PGS.TS Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị: cần thay đổi hệ thống luật về đấu thầu. Theo đó, không nên ban hành luật đấu thầu chung như hiện nay mà cần xây dựng và ban hành các luật đấu thầu chuyên nghành như Luật đấu thầu xây dựng, Luật đấu thầu mua sắm hàng hóa, Luật Đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư… Cần phải xây dựng ngay một tài liệu thông tin về năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Trong chức năng quyền hạn của mình, Bộ Xây dựng có thể nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 04 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (Thông tư hướng dẫn Nghị Định 112), các Hiệp hội được tham gia đóng góp vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo.Ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam mong muốn định kỳ có các cuộc họp phổ biến về các chủ trương chính sách mới của Bộ Xây dựng; giao Hiệp hội một số đề tài nghiên cứu cũng như công tác đào tạo dựa trên thế mạnh của Hiệp hội; pPhối hợp Hiệp hội trong việc triển khai Đề án xây dựng chỉ số thị trường BĐS… Hội Quy hoạch phát triển các đô thị VN cũng đề xuất Bộ Xây dựng cần đề xuất Quốc hội về việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành Luật đô thị, trong đó tùy chức năng chuyên ngành của mỗi Bộ mà chịu trách nhiệm soạn thảo về lĩnh vực của mình, tránh tình trạng khi áp dụng Luật không đúng chức năng soạn thảo nên không sâu, không thực tế, khó khả thi…

Ninh Toàn

 


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: "Bộ Xây dựng rất cần sự vào cuộc của các Hội, Hiệp hội"

No comments:

Post a Comment

Popular Posts

Popular Posts